CHIA SẺ:
Trong thời gian gần đây, "Phượt" đã trở thành từ quen thuộc với nhiều bạn trẻ theo chủ nghĩa xê dịch, đam mê khám phá và thử thách bản thân. Không thể phủ nhận được "Phượt" đem lại những cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, thỏa mãn khát khao chinh phục, tuy nhiên "Phượt" cũng mang lại không ít rủi ro cho các phượt thủ vì chưa đủ kinh nghiệm, địa hình, thời tiết, các yếu tố không báo trước khác. Mới đây, một bạn trẻ tên T đã tử nạn trên cung đường Y Tý (Lào Cai) do bị xe tải chèn ép đã khiến dân mạng xôn xao.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những thành viên khác trong đoàn, các phượt thủ cần nắm vững 6 nguyên tắc cốt tử sau:
1. Xác định đúng hành trình:
Nhiều người quan niệm, phượt là hành động đi theo ý thích, không cần biết đi đâu, không cần kế hoạch lộ trình. Nhưng điều đó không hẳn là đúng. Trước khi bắt đầu một chuyến hành trình, bạn nên có một kế hoạch cụ thể về cung đường, địa hình, điểm đến, chỗ ăn nghỉ, và các điểm lưu ý khác để có một hành trình trọn vẹn. Bạn nên có sự tìm hiểu tỉ mỉ để dẫn đoàn đi đúng hướng, tránh lạc đường tốn thời gian công sức, cảnh báo đoàn trước khi vào vùng có địa hình xấu, nhất là những con đèo đường hẹp để những thành viên khác vững tay lái hơn. Bạn sẽ chinh phục được hết những điểm đến theo dự định, chỉ khi bạn có một kế hoạch cụ thể và xác định chính xác mục tiêu của mình.
2. Không được chủ quan:
Dù cung đường đó bạn đã chạy nhiều lần cũng không được phép chủ quan. Bạn phải lái xe cẩn thận, tập trung. Những kinh nghiệm bạn có được chỉ giúp bạn tránh được những rủi ro nhìn thấy được. Nếu đi đoàn đông và bạn là một leader, hãy nhớ cung cấp đầy đủ thông tin cho những thành viên khác trong đoàn. Khi di chuyển, cứ cách một thời gian nhất định, cả đoàn sẽ dừng lại để điểm danh thành viên, nhắc nhở thành viên không được chủ quan trong quá trình di chuyển.
3. Phải có sức khỏe tốt:
Vì phải di chuyển trên quãng đường dài, mỗi chuyến đi thông thường kéo dài từ vài ngày, có khi đến cả tháng. Bạn cần phản đảm bảo sức khỏe của mình trước khi quyết định có bắt đầu chuyến hành trình hay không. Các phượt thủ không nên ỷ lại vào sức khỏe cá nhân, phải thường xuyên có sự tập luyện để tăng sức bền bỉ.
4. Người đồng hành phù hợp
Đây là điều vô cùng quan trọng. Người đồng hành cùng bạn tốt nhất là người có cùng đam mê, có thể chia sẻ, nói chuyện với nhau trên quãng đường đi. Người ngồi phía sau thường gọi là "Ôm", người phía trước gọi là "Xế". Thông thường, "Ôm" sẽ phải ôm "Xế" để đảm bảo an toàn cho cả hai. Nếu "Ôm" ngồi ở cuối xe, sức nặng của xe sẽ tăng lên, chưa kể những hoạt động đổ đèo, đổ dốc sẽ không an toàn cho cả hai, xe dễ bị chòng chành. Đó là trường hợp của không ít "Ôm" nữ khi đi phượt cùng "Xế" lạ.
Bạn có thể lựa chọn bạn đồng hành là nam, xe sẽ nặng hơn nhưng khi có sự đổi lái luân phiên, bạn có thể đảm bảo sức khỏe của mình.
5. Chỉ mang những thứ thiết yếu
"Phượt" không giống như đi nghỉ dưỡng. Bạn di chuyển trên xe máy trong thời gian dài, vì thế, hành lí càng gọn nhẹ càng tốt. Quần áo đơn giản nhất có thể, nhưng vẫn cần đảm bảo giữ ấm cơ thể. Các vật dụng cá nhân cũng không nên quá nhiều để tránh lỉnh kỉnh, nặng xe.
6. Nên đi theo nhóm
Nếu bạn là người lần đầu đi phượt, chưa có kinh nghiệm, bạn cần một người chỉ dẫn và không nên chọn những tuyến đường quá nguy hiểm. Một leader nhiều kinh nghiệm sẽ giúp bạn có chuyến đi thú vị hơn, an toàn hơn bằng những động tác tay, chỉ cho bạn những cung đường nào nguy hiểm cần giảm tốc độ, hạn chế đi đêm và khoảng cách nào là an toàn với những thành viên khác trong đoàn.
Chưa kể đi theo nhóm, bạn sẽ có cơ hội được giao lưu kết bạn các thành viên trong đoàn, mở rộng mối quan hệ với những người có cùng đam mê. Tuy nhiên, bạn không nên đi theo đoàn quá đông vì leader sẽ không theo sát được đoàn dẫn đến những trường hợp đáng tiếc.
Nhận xét